Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Tác động hai mặt của kinh tế thị trường và toàn cầu hoá đối với xây dựng đời sống văn hoá

1. Tác động của kinh tế thị trường
Trước hết, cần phải chú ý, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng không phải là thị trường bất kỳ, mà là thị trường định hướng XHCN.
Thị trường là sản phẩm của sự phát triển kinh tế-xã hội, trong lịch sử phát triển sản xuất vật chất, thị trường (theo đúng nghĩa của từ đó) thực sự phát triển cùng với sự phát triển của CNTB.
Từ sản xuất tự cung, tự cấp, vật trao đổi vật, sang sản xuất hàng hóa là một bước tiến của văn minh nhân loại - bước tiến của thị trường.
Kinh tế thị trường TBCN và thị trường XHCN:
Thị trường TBCN và thị trường XHCN có những yếu tố chung và không chung. Yếu tố chung là chúng đều sản xuất hàng hóa và cùng tuân theo quy luật giá trị, cùng lấy lợi ích và cạnh tranh làm động lực của sự phát triển... Song, thị trường TBCN và thị trường XHCN lại có những yếu tố không chung, quy định sự khác nhau về chất giữa hai loại thị trường. Thị trường TBCN chịu tác động tất yếu của chính trị tư sản và gắn với nó là kiểu quản lý kinh doanh TBCN. Thị trường XHCN chịu tác động tất yếu của nền chính trị cộng sản và gắn với nó là kiểu tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm phát triển sản xuất hướng tới công bằng và tiến bộ xã hội, từng bước phát triển con người toàn diện. Từ đó, thị trường XHCN căn bản khác với thị trường tư bản về cả điểm xuất phát đến mục tiêu của nền sản xuất. Rõ ràng, ở đây thị trường là nơi diễn ra cuộc hội ngộ cũng là cuộc đối đầu gay gắt không tiếng súng giữa hai loại thị trường, đó là tính hai mặt của cơ chế thị trường.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong xã hội tư bản, kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất khoa học - công nghệ phát triển, nhưng đi liền đó là bất công xã hội cũng phát triển. Sự giàu có tăng lên nhưng bất công không thu hẹp, giảm đi mà trái lại bất công càng tăng lên, mở rộng. Giải quyết mâu thuẫn này, không có cách nào khác là khi tăng trưởng kinh tế, phải đi liền với giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Nếu không, chính bất công xã hội sẽ là lực cản, là sự phá hoại tăng trưởng kinh tế. Công bằng xã hội trở thành đòi hỏi tất yếu của chính bản thân sự phát triển kinh tế. Công bằng để phát triển là phát triển để thực hiện công bằng không thể giải quyết được trong kinh tế thị trường tư bản.
Thực tiễn loài người chứng tỏ rằng, sự phát triển kiểu thị trường TBCN không thể khắc phục được những mâu thuẫn giữa kinh tế và văn hoá, đáp lại những đòi hỏi của lý trí loài người. Kinh tế thị trường TBCN giải phóng được năng lực làm giàu nhưng lại tạo ra hố sâu của sự phân hóa giàu nghèo. Ở đây “999 kẻ trượt vỏ đậu mới có một kẻ lên ngai vàng", cái thông minh của người này đã trở thành ngu đần của người khác, sung sướng của người này là bất hạnh của người kia. Quá trình phát triển của kinh tế thị trường tư bản là quá trình "cá lớn nuốt cá bé", người với người có lúc đã trở thành lang sói.
Kinh tế thị trường ở Việt Nam là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường định hướng XHCN một mặt giải phóng năng lực làm giàu, mặt khác lo xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Mỗi bước phát triển kinh tế, lại chăm lo phát triển văn hóa tinh thần, phát triển quan hệ người - người, giữ đạo lý làm người, bảo vệ môi trường sinh thái. Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN sẽ tạo ra mỗi bước phát triển kinh tế, con người sẽ sống xứng đáng với con người hơn.
Tác động tích cực:
Kinh tế thị trường đã tác động tích cực đến khuynh hướng phát triển đa dạng, phong phú trong hoạt động của văn hóa. Các chính sách kinh tế mới sẽ tạo ra cơ sở kinh tế-xã hội mới cho các hoạt động văn hóa. Nhờ những chính sách mới, phù hợp mà những năng lực văn hóa vốn tiềm ẩn sẽ được bộc lộ phát triển với nhiều hình thức phong phú khác nhau. Nhiều thành phần xã hội sẽ cùng tham gia vào quá trình phát triển văn hóa.
Kinh tế thị trường chấp nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau, các thành phần kinh tế tác động và bình đẳng với nhau trong thực hiện các quyền kinh tế của mình. Trong văn hóa có sự chấp nhận, khơi nguồn cho sự phát triển đa dạng, đáp ứng nhiều loại nhu cầu văn hóa chính đáng, hợp lý của xã hội. Ở đây đã có sự phát triển cùng chiều giữa kinh tế thị trường và văn hóa.
Kinh tế thị trường thúc đẩy hoạt động văn hóa theo hướng xã hội hóa. Ý thức dân chủ, vai trò cá nhân, sự tự ý thức về bản thân sẽ có điều kiện và cơ hội để phát triển. Quá trình sáng tạo, phổ biến các giá trị văn hóa sẽ thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
Kinh tế thị trường đã đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn liền động cơ và hiệu quả như là một chuẩn mực giá trị trong hoạt động của con người, trong nhân cách mỗi người. Nó buộc người ta phải khắc phục lối tư duy cảm tính, phương thức tư duy kiểu “ngoại suy", chủ quan và phải rèn luyện, nâng cao phương thức tư duy lý tính, lành mạnh. Mục đích, động cơ phải trên cơ sở hiện thực và phải đi đôi với những biện pháp, những phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa trong thực tế.
Kinh tế thị trường là điều kiện kích thích tăng năng suất lao động không ngừng. Sự tìm tòi, sáng tạo của cá nhân luôn được khuyến khích. Chính điều này đòi hỏi mỗi người phải học tập, rèn luyện tay nghề, rèn luyện bản thân. Kinh tế thị trường cũng rất nghiêm khắc đào thải những trì trệ, sự lạc hậu, lỗi thời của con người và các sản phẩm yếu kém về nội dung cũng như hình thức.
Về phương diện đạo đức, lối sống, sự ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường là từng bước hình thành nhân cách tự chủ, tự lập trong con người, rèn luyện con người ý thức lao động, bản lĩnh, năng động, thích nghi và sáng tạo. Đây là những phẩm chất đạo đức về ý chí, lòng dũng cảm, nghĩa vụ, tính nguyên tắc và tự trọng ở mỗi con người cũng như cả cộng đồng.
Tác động tiêu cực:
Trong kinh tế thị trường phải đề phòng khuynh hướng, lối sống chạy theo đồng tiền. Kinh tế thị trường có khuynh hướng mở rộng các nguyên tác trao đổi thị trường ra tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống cá nhân, đời sống cộng đồng, có khuynh hướng làm cho người ta coi giá trị thị trường là giá trị chân thực duy nhất dùng để đo các giá trị khác. Họ định giá trị của con người căn cứ vào của cải của người đó, từ đó tìm các quan hệ trong sự đem lại lợi ích gì cho mình, cho cá nhân mình. Từ đây mà các quan hệ tình cảm cao đẹp, ấm áp tình người có nguy cơ bị băng giá trong sự tính toán vị kỷ.
Kinh tế thị trường cũng cần đề phòng khuynh hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, dẫn đến nguy cơ "thương mại hóa" (cái gì có tiền mới làm, cái gì không có tiền, dù cần cũng không làm). Hơn thế nữa, khi chạy theo đồng tiền có thể sẽ bất chấp đạo lý, những hủ tục mê tín có thể tăng nhanh, các sản phẩm phản văn hóa, làm băng hoại con người có thể tràn lan, các bậc giá trị có thể bị nhận thức sai lệch...
Kinh tế thị trường cũng đã kéo theo lối sống "tiền trao cháo múc", lạnh lùng, tàn nhẫn làm băng hoại đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục, tấn công vào từng gia đình, từng người. Đã có không ít hiện tượng: từ chỗ coi trọng các giá trị chính trị, xã hội sang tuyệt đối hóa các giá trị vật chất kinh tế. Từ chỗ lấy con người tập thể, con người xã hội làm mẫu mực (hy sinh vì tập thể, vì cộng đồng) là đạo đức cao nhất, sang tuyệt đối hóa con người cá nhân, thậm chí là cá nhân ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Từ chỗ lấy lý tưởng, đạo đức làm mẫu mực chuyển sang coi thường đạo đức, phẩm giá; tuyệt đối giá trị thực dụng, tôn sùng tiện nghi vật chất, tôn sùng đồng tiền, coi tiền là trên hết, lấy đồng tiền làm thước đo giá trị của con người.
Tiền xâm nhập vào nhiều mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí thành nguyên tắc xử thế và tiêu chuẩn hành vi của không ít người. Chính vì vậy mà những hiện tượng tham ô, hối lộ, móc ngoặc, buôn lậu, lừa đảo, làm hàng giả, mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền bằng tiền... chúng ta đấu tranh, ngăn ngừa nhiều năm nay nhưng hiện vẫn đang diễn ra phức tạp và là nỗi lo lắng của xã hội.
Những quan niệm và hành vi của đạo đức truyền thống như tinh thần giúp đỡ nhau, kính già, yêu trẻ, tôn sư trọng đạo, vợ chồng thủy chung... sẽ bị biến động và suy giảm do toan tính của đồng tiền.
2. Tác động của toàn cầu hóa
Trước hết cần phải khẳng định trong cách nói toàn cầu hóa thực chất là toàn cầu hóa kinh tế chứ không phải là toàn cầu hóa tất cả. Tất nhiên, toàn cầu hóa kinh tế tác động rất mạnh đến các lĩnh vực khác. Mỗi dân tộc trong tiến trình hội nhập toàn cầu hóa, vẫn giữ bản sắc văn hóa, những đặc trưng về đạo đức và lối sống của mình.
Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế của lịch sử, là tất yếu khách quan bắt nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, của cách mạng khoa học công nghệ, của kinh tế thị trường... Điều này cho thấy, không một quốc gia nào có thể phát triển nếu không biết tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Mặt khác, hiện nay các nước tư bản giàu có nhất (tập trung ở nhóm G.7) với các công ty tư bản độc quyền xuyên quốc gia đang chi phối, thống trị nền kinh tế thế giới. 57.000 công ty mẹ với 500 công ty hàng đầu có 500.000 chi nhánh đang kiểm soát 80% công nghệ mới, 40% nhập khẩu, 60% xuất khẩu, 90% đầu tư trực tiếp nước ngoài. Họ chi phối thế giới về vốn, kỹ thuật, công nghệ, tài chính, thương mại quốc tế, các tổ chức và thể chế kinh tế. Họ còn nắm trong tay những phương tiện sản xuất tinh thần rất mạnh và nguồn lực chất xám quan trọng. Do vậy, có thể nhận định rằng: toàn cầu hóa kinh tế trong điều kiện hiện nay về cơ bản mang tính chất TBCN, là sự bành trướng của quan hệ sản xuất TBCN ra toàn thể giới. Không hội nhập kinh tế, đóng cửa là tự sát. Nhưng nếu không biết cách chủ động hội nhập thì cũng sẽ chết trong sự "tha hóa".
Toàn cầu hóa kinh tế chứ không phải là toàn cầu hóa về tư tưởng, đạo đức lối sống nhưng nó đã ảnh hưởng, tác động rất mạnh mẽ đến tư tưởng đạo đức lối sống cả tích cực và tiêu cực.
Tác động tích cực:
+ Toàn cầu hóa thúc đẩy rất nhanh, rất mạnh sự phát triển và xã hội hóa lực lượng sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất vốn mang bản chất quốc tế ngày càng có tính phổ biến, đưa lại sự tăng trưởng cao, tạo ra các điều kiện vật chất cho sự phát triển của con người, của xã hội.
+ Toàn cầu hóa kinh tế đặt ra sự phát triển bền vững, toàn diện, yêu cầu phải đặc biệt chú ý tới môi trường sinh thái, môi trường xã hội đòi hỏi phải xem con người là trung tâm của sự phát triển, là nguồn lực của mọi nguồn lực.
+ Toàn cầu hóa chuyển giao công nghệ và truyền bá tư tưởng, lối sống của các quốc gia với nhau trên quy mô ngày càng lớn. Những thành quả mới mẻ, những khám phá, sáng tạo về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh, lối sống, cách sống... tác động đến các dân tộc, đến từng gia đình, từng người.
+ Toàn cầu hóa làm cho không gian hẹp lại: "làng toàn cầu” với thông tin nhanh nhạy; "chợ văn hóa toàn cầu” với phim ảnh, báo chí, đồ chơi, trò chơi... của nhân loại vào từng nhà; "đại siêu thị toàn cầu” với sinh hoạt, đồ ăn, thức uống, ăn mặc, giải trí... đến từng người; "trụ sở lao động toàn cấu” với thị trường sức lao động rộng lớn, phổ biến; "mạng lưới tài chính toàn cầu” thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội, tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.
+ Toàn cầu hóa tạo thêm khả năng phát triển rút ngắn, làm cho thời gian tăng giá trị, vừa tạo ra thời cơ và cũng là thách thức lớn cho tiến trình đổi mới tư duy, đổi mới cách thức lãnh đạo, quản lý sâu rộng không chỉ ở tầm vĩ mô quốc gia mà cả tầm vi mô ở từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình.
+ Toàn cầu hóa, nhất là kinh tế thị trường đã đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn liền động cơ và hiệu quả như là một chuẩn mực giá trị trong hoạt động của con người, trong nhân cách mỗi người. Nó buộc người ta phải khắc phục lối tư duy cảm tính, phương thức tư duy kiểu "ngoại suy", chủ quan và phải rèn luyện, nâng cao phương thức tư duy lý tính, lành mạnh. Mục đích, động cơ phải trên cơ sở hiện thực và phải đi đôi với những biện pháp, những phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa trong thực tế.
Tác động tiêu cực:
Toàn cầu hóa không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn, không chỉ có tác động tích cực mà còn có tác động tiêu cực. Ở những nước chậm và đang phát triển thì sự thách thức và tác động tiêu cực lại càng lớn hơn, trong đó có cả tư tưởng, đạo đức, lối sống.
+ Toàn cầu hóa kinh tế thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả nhưng điểm xuất phát không giống nhau, điều kiện không giống nhau, trình độ không giống nhau dễ làm tổn thương suy nghĩ, dễ ngộ nhận, dễ "duy kinh tế", "thuần túy kinh tế” mà phai lý tưởng, nhạt chính trị, chao đảo, ngả nghiêng trong lý tưởng mục tiêu phải phấn đấu. Chẳng vậy mà có những người đã lập luận: chủ nghĩa nào cũng được, chế độ nào cũng được miễn là kinh tế đời sống phát triển. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, sự suy giảm niềm tin đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, với con đường đi lên CNXH ở một bộ phận dân cư có nhiều lý do nhưng không thể không chú ý tới sự thâm nhập của toàn cầu hóa kinh tế vào Việt Nam.
+ Toàn cầu hóa kinh tế với cuộc chơi không cân sức không chỉ với các quốc gia, dân tộc mà còn với từng người. Điều này có khả năng vừa tập trung quyền lực vào một số nước, vừa bỏ rơi phần lớn các nước kém phát triền; vừa tập trung vào một số người, vừa bỏ rơi đa số người nghèo. Sự tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận thuần túy dễ để tuột tay mục tiêu bình đẳng, công bằng, xóa đói nghèo và an toàn cho con người.
Với Việt Nam, quá trình toàn cầu vừa phải lo tránh tụt hậu xa về kinh tế vừa phải lo chệch hướng về chính trị… Sự phân hóa giàu nghèo là tất yếu phải chấp nhận, nhưng sự phân hóa đến mức không lý giải được thì không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn cho mất ổn định kinh tế-chính trị-xã hội mà còn là nguy cơ cho đạo lý làm người.
Ở nơi nào còn thất nghiệp, còn nghèo khổ, và đời sống không ổn định... thì tiêu cực và tệ nạn xã hội vẫn chờ người ta ở phía trước.
+ Toàn cầu hóa kinh tế xâm nhập các quốc gia, thì các loại tội phạm cũng mang tính toàn cầu. Buôn bán ma túy bất hợp pháp chiếm khoảng 8% thương mại thế giới, lớn hơn tỷ trọng của quặng và thép hoặc xe ô tô và tương đương mức của hàng dệt (7.5%) hoặc khí đốt và dầu mỏ (8,6%).
Hàng trăm triệu người đã nghiện ma túy (con số chưa đầy đủ khoảng trên 200 triệu người) đã đe dọa môi trường xã hội. Hà Nội khoảng 20.000 người đã mắc nghiện (chưa tính Hà Nội mở rộng), trong khi đó vẫn chưa kiểm soát và ngăn chặn được cơ bản nguồn ma túy quốc tế và trong nước vào thành phố. Tỷ lệ người nghiện ma túy không có việc làm chiếm 63,2%. Tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao (sau 3 năm tỷ lệ tái nghiện là trên 90%).
Nạn mại dâm vẫn phát triển phức tạp. Số người bị nhiễm HIV tiếp tục tăng, nhất là lứa tuổi thanh niên. Các loại tệ nạn và tội phạm khác theo kiểu xã hội đen về tống tiền, cướp giật, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em... kiểu quốc tế cũng đã xuất hiện trên địa bàn Hà Nội.
Như vậy, vấn đề toàn cầu hóa kinh tế đang thực sự có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, đạo đức lối sống của xã hội ta. Sự tác động đang diễn ra phức tạp, có sự đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác, giữa hai lối sống: sống có lý tưởng lành mạnh, trung thực, thủy chung với lối sống thực dụng, ích kỷ, mưu mô, dối trá chạy theo đồng tiền. Đạo đức mới, lối sống mới vừa phải đấu tranh với cái phi đạo đức, vừa phải đấu tranh tự đổi mới, tự khẳng định mình trong điều kiện mới. Đây là tình huống có vấn đề mà yêu cầu của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ở nước ta đang đặt ra trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập WTO.
Kiên định nguyên tắc định hướng XHCN, không được để mai một và làm phai mờ những ưu việt của CNXH. Đó cũng chính là quá trình định hướng cái thiện to lớn nhất, bao quát nhất. Định hướng XHCN là quá trình tự giác giúp thiện thắng ác, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường và phát huy đến mức cao nhất mặt tích cực của cơ chế thị trường. Định hướng XHCN giúp cho cán bộ và nhân dân xác định được mục tiêu khoa học, động cơ trong sáng và lựa chọn được phương tiện và hành vi phù hợp. Với ý nghĩa đó, kiên định nguyên tắc định hướng XHCN vừa là khát vọng của con người, vừa là yêu cầu nội tại bên trong của sự phát triển trước xu thế toàn cầu hóa kinh tế./.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét