Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa

Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, thế giới toàn cầu hóa với những thay đổi lớn, đa dạng và phức tạp, có ảnh hưởng đến bất cứ quốc gia nào và cá nhân nào.
Trong hai mươi năm đổi mới vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân ta, đồng bào đã đạt được những thành tựu to lớn, đưa đất nước vuợt qua tình trạng trì trệ kém phát triển trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và liên tục, an ninh chính trị ổn định trong nhiều năm qua.
Thành tựu hai mươi năm đổi mới vừa qua chính là nền tảng kinh tế - chính trị - xã hội để Việt Nam vươn mình trở thành một nước công nghiệp phát triển hùng mạnh, thật sự "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong những năm tháng có vai trò quyết định hiện nay, chúng ta sẽ phải có những quyết định mang tính lịch sử liên quan đến tương lai, sự phát triển, và bản sắc của quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa việc dám chủ động thi đua, cạnh tranh với các nước trên khu vực và quốc tế - hay thỏa mãn với những thành quả bước đầu khi so sánh những kết quả trong quá khứ của chúng ta. Chúng ta sẽ phải lựa chọn hội nhập chủ động và toàn cầu hóa - hay bị động theo xu hướng chung của thế giới và phụ thuộc vì sức cạnh tranh của nền kinh tế không được cải thiện, vị thế quốc gia không được nâng cao. Chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa của thế giới trên cơ sở phát huy bản sắc của truyền thống văn hóa Việt Nam - hay tiếp thu tràn lan, thiếu chọn lọc, dẫn đến bị mất bản sắc văn hóa, bị hòa tan vào trong thế giới toàn cầu hóa.
Tất cả những lựa chọn mang tính chiến lược nêu trên là quyết định của toàn thể dân tộc ta, của hơn 80 triệu công dân Việt Nam và hơn 3 triệu kiều bào trên toàn thế giới. Đảng và Nhà nước là những đại diện trung thành, là công cụ hiệu quả để tập hợp, đoàn kết và phát huy ý chí, nguyện vọng, trí tuệ và nguồn lực của toàn thể đại gia đình dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới, tận dụng vận hội mới. Nói cách khác, sự phát triển của Việt Nam không phải là công việc của riêng một tổ chức, cá nhân nào; mà đó là quyền lợi và trách nhiệm của mọi công dân, mọi kiều bào tâm huyết. Ở đây cần đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của tầng lớp thanh niên, của thế hệ tri thức trẻ; chính các bạn là những chủ nhân tương lai của đất nước, quyết định sự phồn thịnh, vị thế của quốc gia, của dân tộc và của chính bản thân các bạn.
Mục tiêu chung của tất cả chúng ta hẳn là phải nỗ lực hết mình để Việt Nam phát triển nhanh mạnh và bền vững trong một thế giới hòa bình và ổn định. Không còn cách nào khác, chúng ta phải chủ động và hội nhập có hiệu quả vào xu thế toàn cầu hóa. Hơn thế nữa, chúng ta không những chỉ biết tranh thủ cái lợi, hạn chế cái hại trong quá trình hội nhập, mà còn phải biết tác động vào diễn trình toàn cầu hóa.
Để đạt được điều đó chúng ta phải có một chiến lược ngoại giao tích cực, chủ động, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ; làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng, đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển của cả nhân loại.
Trong diễn trình toàn cầu hóa, đường lối đối ngoại đó sẽ được cụ thế hóa rõ nét nhất bằng việc tham gia vào các tổ chức kinh tế - chính trị trên thế giới. Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế - chính trị quốc tế và khu vực. Chúng ta đã là thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),... Ở cấp liên khu vực, chúng ta là thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ( APEC ), Diễn đàn hợp tác Á - Âu ( ASEM ), của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Và sự kiện vô cùng quan trọng là chúng ta đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội to lớn cho đất nước phát triển, nhưng cũng đồng thời là thách thức lớn nếu ta chưa có một nội lực đủ mạnh. Chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa với các nước phát triển. Nỗi đau tụt hậu, chậm phát triển, thua kém bạn bè quốc tế là không của riêng ai, mà là của toàn thể những con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng trên toàn thế giới. Chúng ta cần nhận thức rõ mối nguy chung này để biến thành những nội lực mạnh mẽ của Việt Nam, trước hết là tinh thần hội nhập, tinh thần đoàn kết; sau là nhiệm vụ phải nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà, song song với việc phát triển văn hóa - xã hội, nhằm tạo nên một mô hình phát triển nhanh, mạnh, hài hòa và bền vững.
Như vậy, tinh thần hội nhập, tinh thần đoàn kết sẽ được đặt lên trước tiên. Đặc biệt là khả năng nhận thức trọng trách đối với đất nước trong giai đoạn hiện nay của mọi công dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong thời gian vừa qua, đã có những hoạt động chính trị - xã hội khơi dậy, huy động và phát lộ được tinh thần, nhiệt huyết của thế hệ trẻ nói riêng và cả dân tộc nói chung đối với Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Những hoạt động như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Diễn đàn "Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ ?" của Báo Thanh Niên, chuyên mục "Chào cờ sáng thứ hai" của Báo Tuổi Trẻ. Chúng ta cũng sẽ cần phải có nhiều phong trào mạnh mẽ hơn nữa, thực tế hơn nữa, để chấn hưng dân khí, đại đoàn kết toàn dân, hiến kế đúng đắn, hành động thiết thực vì một nước Việt Nam chung.
Với một quốc gia có xuất phát điểm về kinh tế thấp như Việt Nam, để có thể chuẩn bị nội lực đầy đủ cho hội nhập, hướng chính sách đối ngoại sẽ phải đảm bảo ủng hộ và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo thời điểm mở thị trường thích hợp để chúng ta có thể chuẩn bị hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chủ động và bền vững.
Cần phải nhận thức rõ ràng rằng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nằm ở sự đúng đắn, phù hợp của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia có đóng góp được cho thế giới hay không, có tạo được sự tín nhiệm đối với thế giới hay không, có tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu ngang tầm thế giới hay không. Tóm lại, chúng ta phải biết rõ, phải có sự đồng thuận cao về Việt Nam sẽ đi về đâu, sẽ đóng vai trò gì trong thế giới đang biến đổi ngày một nhanh chóng và đa dạng như hiện nay.
Nói theo ngôn ngữ của hội nhập, phải có định vị quốc gia, chiến lược tổng quốc gia phù hợp với ý nguyện của dân tộc, với tiềm năng của đất nước, với xu hướng phát triển của thời đại. Định vị đó sẽ là Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới dựa trên nền kinh tế phát triển hài hòa, có ưu thế trong kinh tế tri thức như là một trung tâm sáng tạo mới của thế giới; Việt Nam có xã hội công bằng, văn minh, phồn thịnh nơi các giá trị đạo đức, giá trị tinh thần được tôn trọng và sẽ là tấm gương cho các nước thế giới thứ hai và thứ ba vươn lên theo kịp sự phát triển chung của nhân loại.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế nên bắt đầu từ việc quy hoạch phát triển nền kinh tế dựa trên một định vị quốc gia nhất quán. Chúng ta cần phải nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Nâng cao sức cạnh tranh ở đây không có nghĩa là đầu tư tràn lan, thiếu trọng điểm, mà ngược lại đó là phát huy lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Cụ thể hơn, một mặt, phải ý thức được sự cần thiết phải giữ vững và phát triển các ngành kinh tế có ý nghĩa sống còn, đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế đất nước; mặt khác phải biết đầu tư những ngành mũi nhọn có thể tạo ra đột phá cho Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Nước ta là một nước có truyền thống nông nghiệp, với khoảng 75% dân số sống ở nông thôn và sống bằng nông nghiệp. Năm 2006 này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước có thể đạt mức 38 tỉ USD, vượt mục tiêu mà Quốc hội giao cho. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu giá trị trong mỗi đơn vị hàng hóa xuất khẩu sẽ thấy có nhiều mặt hàng chủ lực nếu chúng ta càng xuất khẩu được nhiều thì càng thiệt thòi. Ngành nông nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề khi Việt Nam gia nhập WTO, nông sản Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, tình trạng càng xuất khẩu càng thua thiệt sẽ ngày càng trầm trọng. Đây là những nghịch lý không thể chấp nhận được đối với một đất nước có đầy tiềm năng như Việt Nam; trong khi đó, nhìn ra thế giới, những nước có điều kiện tự nhiên vô cùng kém thuận lợi so với Việt Nam lại có nền nông nghiệp rất phát triển như Nhật Bản, Israel. Ngay khi so với các nước cùng phát triển thì thu nhập của người nông dân Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan. "Phi nông bất ổn", nông nghiệp chính là ngành tạo ra sự ổn định, làm nền tảng cho đất nước phát triển; tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh nghiệm của các mô hình nông nghiệp hàng đầu thế giới, và tiềm năng của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn thế, tạo nên một ngành nông nghiệp Việt Nam hàng đầu thế giới.
Sức cạnh tranh của nền công nghiệp chúng ta cũng có rất nhiều vấn đề. Công nghiệp nặng không hiệu quả, công nghiệp nhẹ chủ yếu là gia công, hàm lượng khoa học công nghệ thấp tạo ra giá trị gia tăng rất thấp. Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO báo hiệu sẽ gây ra nhiều tác động lớn đến các lĩnh vực dệt may, chế biến nông hải sản,... đòi hỏi công nghiệp phải có những bước chuyển mình căn bản hơn nữa, tốc độ cao hơn nữa. Chúng ta cần thoát khỏi nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp, trở thành một đất nước chuyên xuất thô và cung cấp lao động phổ thông giá trị thấp; nguy cơ phá sản cả một ngành, một lĩnh vực kinh doanh.
Để không ngừng nâng cao và phát triển sức cạnh tranh cho nền kinh tế, Việt Nam cần có một nguồn năng lượng phù hợp và chủ động. Việc hoạch định và thực thi một chiến lược quốc gia dài hạn về năng lượng là một yêu cầu bức thiết. Trong đó, phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản là hướng đến khai thác bền vững những nguồn tài nguyên là thế mạnh của Việt Nam như tài nguyên nước, than đá, dầu mỏ...; sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn nguyên liệu hiện có, khắc phục tình trạng lãng phí, chảy máu tài nguyên nhiên liệu.
Chúng ta cần phải biết khai thác tốt những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Do vậy, ngành du lịch sẽ là một trong những trọng tâm để phát triển, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Trong một thời gian dài vừa qua, chúng ta chưa thực sự chú ý tới việc phát triển lợi thế của kinh tế biển. Thảm họa bão Chanchu chính là một lời cảnh báo cho sự quan tâm dưới mức cần thiết đối với một lĩnh vực có thể mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao vị thế của quốc gia như kinh tế biển.
Thương mại và dịch vụ chính là lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất khi Việt Nam gia nhập WTO, khi thị trường trong nước nhanh chóng được mở cửa tự do. Đặc biệt là ngành thương mại, phân phối hàng hóa, đó chính là động mạch chủ của nền kinh tế nước nhà. Chúng ta cần chung sức tạo nên những hệ thống phân phối mạnh phục vụ cho lợi ích của Việt Nam. Cần giữ vững sự tự chủ trong các ngành ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ thông tin, giao nhận và vận chuyển hàng hóa; bởi đó cũng là những động mạch quan trọng của nền kinh tế nước nhà.
Để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp, nông nghiệp, và các ngành thương mại và dịch vụ tiên tiến cao, cần phải phát triển khoa học kỹ thuật. Cả nông nghiệp và công nghiệp đều phải dựa trên những công nghệ phù hợp và tiên tiến để phát triển, trong đó công nghệ sẽ là ưu tiên hàng đầu, đó là phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiên tiến để có thể đi tắt đón đầu. Chúng ta sẽ tạo ra bước đột phá trong công nghệ bằng một hành động rất đơn giản mà hiệu quả là ngay lập tức gắn kết những viện nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng; từng bước tham gia vào thị trường sở hữu trí tuệ của khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu chiến lược phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức đang vận động ngày một nhanh.
Như vậy, việc tạo nên những liên kết nội ngành, liên ngành là một nội dung quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Hơn nữa, cần phải ý thức rằng, liên kết không chỉ đơn thuần là tạo ra các liên minh lớn hơn trong nước mà phải hướng đến hiệu quả đích thực, phải xem xét đến việc liên kết chiến lược để hấp thu tinh hoa quản trị, bí quyết công nghệ, lợi thế tài chính của nước ngoài, nhưng vẫn giữ được sự tự chủ trong phát triển.
Để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đòi hỏi chúng ta phải mở rộng nhiều thị trường hơn cho tất cả các hàng hóa mà Việt Nam chế tạo ra hoặc trồng trọt được. Do vậy, vai trò của các tổ chức xúc tiến thương mại là rất quan trọng, đòi hỏi ngay lập tức phải có cách nghĩ khác, cách làm khác, thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, mục tiêu và thành quả của các tổ chức xúc tiến thương mại phải gắn liền với nhu cầu và phục vụ đầy đủ, nhiệt tình, chi tiết những nhu cầu chính đáng của mọi doanh nghiệp trong nước. Đổi lại, doanh nghiệp Việt Nam phải nhận lãnh nhiệm vụ quan trọng nhất là phải giới thiệu, phát triển bằng đường hàng hóa và văn hóa của nước nhà trên thị trường thế giới.
Một lần nữa vai trò của nhà nước, đặc biệt là vai trò điều hành, thực thi pháp luật của Chính phủ ngày càng trở thành một nhân tố cốt yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta cần có một chính phủ hiệu quả hơn dựa trên nền tảng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước sẽ phải hiệu quả hơn trong các lĩnh vực quan trọng như: đối ngoại, hoàn thiện tổ chức, chống tham nhũng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần thiết phải có những hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn nữa để giáo dục pháp luật, nghĩa vụ công dân đến toàn thể đồng bào.
Trong quá trình gia nhập WTO chúng ta sẽ phải mau chóng dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng nhập khẩu. Vậy nếu muốn đảm bảo, duy trì và phát triển nội lực kinh tế của nước nhà, nhà sản xuất trong nước phải mau chóng tự hoàn thiện mình, đáp ứng tốt nhất người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam phải ý thức được việc ủng hộ ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ trong nước là trách nhiệm và vinh dự của một người công dân Việt Nam. Chúng ta hợp sức tạo ra một vài thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt, tập đoàn kinh tế Việt mang tính tiên phong, đủ sức cạnh tranh ở tầm mức khu vực và thế giới, nhằm tạo ra điển hình, khơi dậy niềm tin, khát vọng, lòng tự hào của toàn thể dân tộc trong sự nghiệp thi đua phát triển kinh tế với thế giới.
Để có thể thực hiện toàn bộ những lộ trình tốt đẹp nêu trên, yếu tố con người là then chốt. Chúng ta phải nhanh chóng "nâng cấp" người Việt Nam lên cả về thể chất lẫn tri thức; vật chất lẫn tinh thần.
Chúng ta cần phải đảm bảo việc chăm sóc y tế, nâng cao sức mạnh thể chất của người dân Việt Nam như một yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất của y tế không phải là khám chữa bệnh, mà là phát triển thể chất Việt Nam. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải tuyên truyền, vận động, và tổ chức các hình thức y tế, sức khỏe cộng đồng; đưa kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh đến toàn dân. Đó là bước đầu tiên và cơ bản nhất của việc xã hội hóa ngành y tế. Bước tiếp theo mới là huy động các nguồn lực ở trong dân, trong ngành, và của quốc tế để mở ra nhiều hơn nữa những bệnh viện, trạm xá nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Phối hợp với các tổ chức y tế thế giới, trong khu vực để giải quyết các vấn đề dịch họa toàn cầu như đại dịch HIV/AIDS, dịch cúm gia cầm,...
Với xu hướng phục hưng của các giá trị văn hóa Á Đông, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên; cộng với truyền thống và tinh hoa hàng ngàn năm của nền y học cổ truyền nước nhà; chúng ta hoàn toàn có đủ những điều kiện cần thiết để phát triển ngành y học cổ truyền dân tộc thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vừa góp phần nâng cao tố chất của dân tộc, vừa góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa, vừa tạo ra những sản phẩm - dịch vụ độc đáo của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Chúng ta cần thật sự thực hiện phương châm "giáo dục là quốc sách hàng đầu", thực hiện lời dạy "vì lợi ích trăm năm trồng người" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng nên một nền giáo dục có tính toàn diện: từ thể chất, đến tinh thần, đạo đức, và tri thức; giáo dục toàn dân: xã hội hóa giáo dục; và một nền giáo dục trọn đời, một xã hội học tập. Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục những yếu kém trầm kha nhiều năm qua của nền giáo dục nước nhà. Đảng, Nhà nước, và toàn thể cộng đồng hãy cùng hưởng ứng thiết thực phong trào xóa bỏ tiêu cực trong giáo dục, tôn vinh giá trị thực học. Chúng ta phải phát huy truyền thống cần cù, thông minh, hiếu học của dân tộc; biến đó thành một lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức. Trở lại lịch sử, ngay từ thế kỷ thứ 18 nhà bác học Lê Quý Đôn đã có một nhận xét hết sức đúng đắn "Phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi công bất phú, phi trí bất hưng". Như vậy, cha ông ta đã ý thức rất rõ tri thức sẽ đóng vai trò quyết định đến sự hưng thịnh và hùng mạnh của quốc gia. Điều đó chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
Một đất nước phát triển bền vững khi vật chất ngày một sung túc, các giá trị đạo đức tinh thần ngày được bồi đắp. Một xã hội chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất sẽ là một xã hội hỗn loạn, bất ổn; là môi trường tốt cho nhiều tệ nạn xấu xa và nguy hiểm phát sinh và hoành hành. Chúng ta cần đoàn kết, huy động trách nhiệm và nỗ lực của toàn dân tộc, của cả cộng đồng quốc tế để đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, chống các hành vi làm băng hoại đạo đức xã hội. Đoàn kết để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch họa tại Việt Nam cũng như trên thế giới, thể hiện rõ nét truyền thống nhân đạo, tương thân, tương ái của dân tộc.
Chúng ta hoàn toàn nhận thức rõ trách nhiệm phát triển một nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến, giữ được bản sắc dân tộc sẽ vừa là động lực vừa là phương pháp để phát triển kinh tế đất nước. Nói cách khác, phát triển kinh tế phải song song với phát triển xã hội, phải biết chắt lọc, sắp xếp, gắn kết và giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam vào với các hoạt động kinh tế kinh doanh. Cùng với xu hướng trỗi dậy của các giá trị văn hóa châu Á, được minh chứng bằng con đường và thành tựu phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ,... chúng ta hoàn toàn có khả năng và cần thiết phải tạo ra các sản phẩm, thương hiệu có giá trị cao, mang trong mình giá trị văn hóa Việt. Ngược lại, chính những thành tựu kinh tế sẽ là nguồn lực, làm điều kiện để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tổng kết lại, chúng ta đang hội đủ những điều kiện bên trong lẫn bên ngoài để có thể chung tay đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước trở nên hùng mạnh, đóng góp vào sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của toàn thể nhân loại. Để có được cơ hội này, chúng ta luôn biết ơn những sự hy sinh của cha ông từ ngàn đời nay mới có thể tạo nên vận hội to lớn để chúng ta tiếp bước, chúng ta phải luôn hiểu được trách nhiệm của mình đối với thế hệ tương lai của đất nước. Vậy nên, chúng ta một lần nữa sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nhân ái của dân tộc để tự tin vững bước khẳng định mình trong thế giới toàn cầu hóa vì sự phát triển của mỗi cá nhân, của quốc gia, của dân tộc, và sự tiến bộ chung của toàn thể nhân loại.
N.V.H
 (Theo_Thanh_Nien)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét