Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

SỰ GIỐNG NHAU, KHÁC NHAU GIỮA CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC SO VỚI CÁC CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC KHÁC TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Sự lạc hậu, kém phát triển của nước Việt Nam đã khiến cho quốc gia này không đủ sức mạnh duy trì, phát triển các quyền dân tộc, quyền con người. Hậu quả là, cuối thế kỷ XIX, nước Việt Nam mất độc lập, đại bộ phận nhân dân Việt Nam lầm than, cơ cực, mất tự do. Chính quyền đại diện cho người Việt Nam trong hệ thống chính trị thuộc địa nửa phong kiến đã không làm đúng chức năng đảm bảo an toàn và hạnh phúc cho người dân. Yêu cầu lịch sử đặt ra là phải tìm ra con đường cứu nước, thực hiện được giải phóng dân tộc, giải phóng con người, phải thiết lập được chính quyền đảm bảo tốt nhất sự an toàn và hạnh phúc của Nhân dân.



Trước thách thức của lịch sử, nhân dân Việt Nam đã tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng con người bằng nhiều phong trào đấu tranh theo những con đường cứu nước khác nhau.


Bài viết này sẽ khảo sát các phong trào yêu nước từ khi Pháp xâm lược cho tới trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để rút ra các đặc điểm con đường cứu nước, trên cơ sở đó, đối sánh với con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc để tìm ra các điểm giống và khác nhau.


**************


I. Các con đường cứu nước khác con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam


I.1 Những phong trào cách mạng tiêu biểu:


* Trương Định và lá cờ “Bình Tây đại nguyên soái”. Những tên tuổi như Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Trị, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Tôn, Phàn Liêm… đã trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần quả cảm trong chiến đấu ở Nam Kì.


* Tư tưởng canh tân ở Việt Nam dưới triều Nguyễn (nửa sau thế kỉ XIX) gắn với các tên tuổi như Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), Đặng Huy Trứ (1825-1874), Phạm Phú Thứ (1821-1882)….


* Cuộc tấn công quân Pháp ở Huế tháng 7-1885 và Phong trào Cần Vương (1885-1896). Phong trào bắt đầu bằng sự kiện vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương 13-7-1885 và nhanh chóng phát triển ra nhiều địa phương ở Bắc-Trung-Nam Kỳ.


* Khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang) diễn ra từ năm 1884, đánh thắng nhiều trận, tạo tiếng vang lớn và gây cho pháp nhiều thiệt hại nhưng chỉ kéo dài đến năm 1913 thì bị dập tắt.


* Phan Bội Châu với phong trào Đông Du


* Phan Chu Trinh và phong trào Duy Tân


* Phong trào chống sưu thuế ở Trung Kì 1908


* Đông Kinh Nghĩa Thục


* Vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội


* Lương Ngọc Quyến với cuộc khởi nghĩa binh lính Thái Nguyên


* Một số cuộc khởi nghĩa chống Pháp của đồng bào các dân tộc ít người: cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tây Bắc (11/1914 – 3/1916), cuộc khởi nghĩa của đồng bào H’Mông ở Lai Châu (1918-1921), cuộc khởi nghĩa của binh lính đồn Bình Liêu (16-11-1918), các cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là cuộc khởi nghĩa của người Mơ nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.


* Phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản (Phong trào tẩy chay tư sản Hoa Kiều 1919, Đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn 1923), phong trào đấu tranh tiểu tư sản: từ trong phong trào đấu tranh, các tổ chức đảng phải ra đời: Đảng Lập hiến (1923), Đảng Thanh niên (3-1926); Đảng Thanh niên cao vọng (1926); Việt Nam nghĩa đoàn (1925), sau đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng (7-1928); Việt Nam Quốc dân Đảng (12-1927). Các đảng phái chính trị và tiểu tư sản trên đây đã góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước chống Pháp, đặc biệt là Tân Việt Cách mạng Đảng và Việt Nam quốc dân Đảng…


* Một số phong trào yêu nước đòi tự do dân chủ tiêu biểu trong những năm 1919-1925: Phạm Hồng Thái và vụ mưu sát Toàn quyền Merlin, phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội ChâuPhóng trào đấu tranh đòi để tang Phan Châu Trinh, phong trào đấu tranh đòi thả Nguyễn An Ninh


* Việt Nam Quốc dân đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Bái


I.2 Nhận xét:


Con đường cứu nước Việt Nam nói trên thể hiện qua: con đường canh tân, con đường theo khuynh hướng phong kiến và con đường theo khuynh hướng tư sản.


* Con đường canh tân ở Việt Nam dưới triều Nguyễn trước nguy cơ và sự xâm lược của Pháp: hầu hết đều xuất phát từ tinh thần yêu nước, muốn cho nước nhà giàu mạnh, có thể đương đầu với sự tấn công ngày càng dồn dập của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Trong hoàn cảnh bế tắc của xã hội phong kiến Việt Nam hồi đó, theo các nhà canh tân, lối thoát duy nhất cho Việt Nam là mạnh dạn đi theo con đường phát triển của Chủ nghĩa tư bản. Nhưng những đề nghị cải cách có tính chất lẻ tẻ, rời rạc, nặng về chịu ảnh hưởng bên ngoài mà thiếu cơ sở bên trong, chưa động chạm đến vấn đề cơ bản của thời đại là giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu của xã hội Việt Nam bấy giờ là giữa nhân dân ta với thực dân Pháp xâm lược và giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Đứng trước nguy cơ mất nước, các nhà cải cách duy tân việt Nam bấy giờ chỉ biết chộp lấy mô hình của các xã hội phát triển ở bên ngoài đem vào áp dụng ở nước ta, ít ai nghĩ rằng cần phải có những hậu thuẫn về mặt xã hội làm cơ sở vật chất bên trong thì các chương trình cải cách mới có thể thực hiện thành công được. Chính vì ra đời tìm nhu cầu cách tân vội vàng, cấp thiết để cứu vãn nền độc lập của đất nước, mà khi quốc gia mất độc lập thì trào lưu cải cách duy tân cũng chấm dứt luôn sự tồn tại của chính mình – sự thất bại đó là điều không tránh khỏi.


* Đặc điểm con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến và tư sản:


- Các phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra sôi nổi, và đạt được kết quả ở những mức độ khác nhau.


- Mục tiêu của các cuộc đấu tranh ở thời kỳ này đều hướng tới giành độc lập cho dân tộc, nhưng trên các lập trường giai cấp khác nhau. Các phong trào hướng tới hoặc khôi phục chế độ phong kiến hoặc thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, hoặc cao hơn là thiết lập chế độ cộng hòa tư sản.


- Phương thức và biện pháp tiến hành khác nhau: bạo động hoặc cải cách; quan điểm tập hợp lực lượng bên ngoài khác nhau: dựa vào Pháp để thực hiện cải cách, hoặc dựa vào ngoại viện đánh Pháp… nhưng cuối cùng các cuộc đấu tranh đều thất bại.


- Một số tổ chức theo lập trường quốc gia tư sản ra đời đã thể hiện vai trò của mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và dân chủ. Nhưng các phong trào và tổ chức trên, do những hạn chế về giai cấp, về đường lối chính trị; hệ thống tổ chức thiếu chặt chẽ; chưa tập hợp được rộng rãi lực lượng của dân tộc, nhất là chưa tập hợp được hai lực lượng xã hội cơ bản là công nhân và nông dân, nên cuối cùng đã không thành công. Sự thất bại của các phong trào yêu nước theo lập trường quốc gia tư sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã phản ánh địa vị kinh tế và chính trị yếu kém của giai cấp này trong tiến trình cách mạng dân tộc, phản ánh sự bất lực của họ trước những nhiệm vụ do lịch sử dân tộc Việt Nam đặt ra.


=> Sự thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản đã bế tắc. Cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về giai cấp lãnh đạo. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra là phải tìm một con đường cách mạng mới, một giai cấp đủ tư cách đại biểu cho quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, có đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đi đến thành công.


=> Mặc dù thất bại nhưng sự phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có ý nghĩa rất quan trọng. Nó là sự tiếp nối truyền thống yêu nước kiên cường bất khuất vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển của phong trào yêu nước là cơ sở xã hội thuận lợi cho sự tiếp biến con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam và là một trong những nhân tố đưa tới sự ra đời của Đảng Cộng sản.


II. Đặc điểm, nội dung con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc tính đến khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam


Sau khi tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lênin một con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp chân chính, từ năm 1920 đến 19230 Nguyễn Ái Quốc đã dồn toàn bộ sức lực và trí tuệ cho việc tiếp thu, phát triển đúng đắn sáng tạo và hoàn thiện con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.


Con đường cứu nước của Nguyến Ái Quốc, tính đến thời điểm năm 1930, thể hiện qua các hoạt động cách mạng của Người (tham gia và trực tiếp sáng lập nhiều tổ chức chính trị cách mạng, viết báo, viết sách…). Nhưng thể hiện rõ rệt nhất là qua sách “Đường Kách mệnh” và qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và điều lệ tóm tắt mà Người trực tiếp khởi thảo và được thông qua trong Hội nghị Thành lập Đảng (02/1930). Đây cũng là những văn kiện lịch sử quan trọng của Đảng ta, trong đó nêu lên những vấn đề thuộc về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.


Những hoạt động trên của Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra và chỉ rõ con đuờng của cách mạng Việt Nam với nội dung chính là:


1. Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, là kẻ thù trực tiếp nguy hại nhất của nhân dân các nước thuộc địa.


2. Chỉ có cách mạng vô sản là cách mạng triệt để, vì lợi ích của đại đa số dân chúng. Nguyễn Ái Quốc giới thiệu những cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, từ Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776 đến Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, từ Công xã Pa ri năm 1871 đến Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sau khi so sánh cách mạng tư sản với cách mạng vô sản, Người khẳng định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước bục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa.Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”. Người khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh “Làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Đây là điểm xuất phát và là điểm khác nhau cơ bản giữa con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc với các con đường cứu nước trước kia.


Cách mạng vô sản có hai bộ phận là cách mạng vô sản chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa. Cách mạng phương Đông là bộ phận của cách mạng giải phóng dân tộc thế giới, giải phóng con người, giải phóng giai cấp công nhân, thiết lập chủ nghĩa xã hội. “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trên thế giới là đồng chí của Việt Nam”. Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa. Việt Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc nhắc lại khẩu hiệu của Quốc tế thứ ba “giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đoàn kết lại”. Đây là những quan điểm cơ bản về đoàn kết quốc tế mà Nguyễn Ái Quốc đã viết trong nhiều tác phẩm và Người thực hiện ngay từ khi gia nhập phong trào cộng sản quốc tế. Trong quan hệ giữa cách mạng nước ta với bầu bạn thế giới, Nguyễn Ái Quốc chú ý hai điều: 1- Muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã. 2- Cách mạng giải phóng dân tộc cần chủ động giành thắng lợi, không ỷ lại, chờ đợi thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản. Đó cũng là bài học đoàn kết quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của cách mạng nước ta từ khi Đảng lãnh đạo.


3. Người xác định mối quan hệ của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở “chính quốc” và vị trí của nó. Cách mạng giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và cách mạng vô sản “chính quốc” có quan hệ khăng khít với nhau và chủ nghĩa đế quốc như một con đỉa hai vò một vòi hut máu giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính quốc còn một vòi hút máu các dân tộc thuộc địa. Muốn đánh đổ chủ nghĩa đế quốc thì phải cắt cả hai vòi ấy. Phải thực hịên sự liên minh chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng ở thuộc địa và “chính quốc”. Cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng “chính quốc” mà có tính chủ động, độc lập và có thể thành công trước và thúc đẩy cách mạng chính quốc tiến lên.


Người đã giải quyết đúng đắn sáng tạo mối quan hệ giữa cách mạng tư sản dân quyền, cách mạng ruộng đất (thổ địa cách mạng), giữa chống đế quốc với chống phong kiến, giữa nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ dân tộc để tiến lên xã hội cộng sản. Những nhiệm vụ của cách mạng luôn bao gồm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc, chống phong kiến, song nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc.


4. Mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là xã hội cộng sản, muốn xoá bỏ chế độ người bóc lột người, muốn có tự đo, hạnh phúc, bình đẳng thật sự thì phải qua hai cuộc cách mạng: cách mạng giải phóng dân tộc sau đó tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai cuộc cách mạng này có quan hệ mật thiết với nhau.


5. Người xác định lực lượng cách mạng. Công nông là người chủ cách mệnh, gốc của cách mệnh, học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông. “Ai mà bị áp bức càng nặng, thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết”. Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng, chứ không phải là việc của một hai người. Quần chúng cần phải được giác ngộ và tổ chức thành đội ngũ vững bền; đuợc hiểu biết tình thế có mưu trước.


6. Phải có phưong pháp cách mạng đúng đắn, phải có mưu trước. Người cho rằng giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại là công việc “to tát”, cho nên phải “dùng hết sức”, phải quyết tâm làm thì chắc được “thà chết tự do hơn sống làm nô lệ”. Nhưng phải “biết cách làm thì mới chóng”. “Cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ”. Tiếp theo tư tưởng khởi nghĩa vũ trang quần chúng giành chính quyền đề ra từ năm 1924, trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc phát triển thêm:“dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”. “Đời này làm chưa xong, đời sau nối theo làm thì phải xong”. Về phương pháp cách mạng, quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là quan điểm cách mạng bạo lực. Người chỉ ra những thiếu sót của những người đi trước như “xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức”, hoặc “làm cho dân quen tính ỷ lại mà quên tính tự cường”. Tóm lại là phải có sách lược, mưu chước, kế hoạch, biết lúc nào nên làm, lúc nào chưa nên làm.


7. Người cho rằng phải thực hiện đoàn kết quốc tế. Phải thực hiện sự liên minh, đoàn kết với các lực lượng cách mạng quốc tế, phải nâng cao tính chủ động cách mạng, ý thức tự lực tự cường. Điều này sẽ tạo cho cách mạng Việt Nam sức mạnh to lớn, cho phép kết hợp yếu tố dân tộc và thời đại, truyền thống và hiện đại.


8. Nguyễn Ái Quốc cho rằng cách mạng trước hết phải có đảng cách mệnh và học thuyết cách mệnh. Đảng không có chủ nghĩa như người không có trí khôn. Ngay từ khi tìm được chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nắm vững quy luật, Đảng có vững cách mệnh mới thành công. Muốn cho Đảng vững phải làm cho trong Đảng ai cũng hiểu, ai cũng theo tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin, phải biết vận dụng đúng đắn học thuyết đó vào hoàn cảnh Việt Nam. Điều kiện cốt yếu cho thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng và trải qua tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng.


Tóm lại, tám điểm trên đây là tư tưởng cốt lõi con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Không những Nguyễn Ái Quốc nắm vững thực chất chủ nghĩa Mác – Lê nin, mà ngay từ đầu đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê nin một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cách mạng nước mình. Những nội dung trên thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Nó hướng cách mạng Việt Nam đi đúng vào quỹ đạo cách mạng vô sản, đặt cơ sở cho việc hình thành một cương lĩnh chính trị đúng đắn, cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu những năm 1930.


III. So sánh con đường cứu nước con đường cứu nước của nguyễn ái quốc so với các con đường cứu nước khác trước khi thành lập Đảng


Trước hết, xét về đường lối đấu tranh cách mạng, trước năm 1930, phong trào cách mạng Việt Nam hoặc là đi theo con đường phong kiến hoặc là đi theo con đường dân chủ tư sản. Những tư tưởng này đều đã trở nên lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của lịch sử và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Con đường cứu nước của Nguyến Ái Quốc đã chỉ ra con đường cách mạng vô sản, trong đó bao gồm giai đoạn: cách mạng tư sản dân quyền, thổ địa cách mạng và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đường lối này đã phản ánh đúng đắn những mâu thuẫn trong xã hội nước ta lúc bấy giờ. Do đó, cuộc khủng hoảng chính trị về chiến lược cách mạng Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt.


Tiếp theo, các phong trào đấu tranh cách mạng ở nước ta trước năm 1930 do các tầng lớp giai cấp không phải là vô sản lãnh đạo, giai cấp công nhân khi đó vẫn còn dừng ở trình độ đấu tranh tự phát. Phong trào công nhân trở thành một bộ phận nằm trong phong trào chung của cả nước. Với con đường cứu nước của Nguyến Ái Quốc, giai cấp công nhân nước ta đã hoàn thành quá trình chuyển biến từ tự phát sang tự giác. Giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập nắm giữ sứ mệnh độc quyền lãnh đạo cuộc cách mạng Việt Nam.


Về lực lượng cách mạng, các phong trào đấu tranh cách mạng có trước năm 1930 đều hô hào quần chúng nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc nhưng đã bỏ quên nhiệm vụ chống phong kiến. Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã giương cao và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai ngọn cờ độc lập dân tộc (chống đế quốc), người cày có ruộng (chống phong kiến). Con đường này đã đáp ứng được đúng đắn yêu cầu khách quan của lịch sử, đã nhận rõ sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân trong cách mạng. Đồng thời, con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã xác định đúng lực lượng cách mạng rằng lực lượng cách mạng gồm toàn thể dân tộc, trong liên minh công nhân – nông dân – trí thức là nòng cốt, công nhân và nông dân là động lực của cách mạng Việt Nam.


Về phương pháp đấu tranh cách mạng, trước năm 1930 đã xuất hiện những phong trào đấu tranh cách mạng sử dụng hình thức đấu tranh vũ trang như các cuộc khởi nghĩa trong Phong trào Cần Vương hay chủ trương bạo động của Phan Bội Châu, nhưng những tư tưởng phong kiến thì hạn chế ở tư tưởng thụ động phòng ngự, còn tư tưởng bạo động của Phan Bội Châu thì lại sai lầm về quan điểm chính trị khi ông chủ trương nhờ cậy vào sự giúp đỡ của người Nhật để đánh Pháp. Ngoài ra, còn có phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh tổ chức thì lại chủ trương trông cậy vào lòng tốt, vào sự nhân nhượng của thực dân Pháp. Những hạn chế sai lầm về phương pháp đấu tranh cách mạng đã đưa đến sự thất bại không thể tránh khỏi của phong trào. Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra phương pháp tiến hành cách mạng đúng đắn. Đó là tư tưởng bạo lực cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân lao động, sử dụng kết hợp cả hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.


Đồng minh, sức mạnh tổng hợp của cách mạng, trước năm 1930, các phong trào đấu tranh ở nước ta đều bị hạn chế ở phạm vi và quy mô. Các cuộc khởi nghĩa trong Phong trào Cần Vương chỉ diễn ra ở một địa phương hoặc một vài địa phương. Đến các Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân theo khuynh hướng dân chủ tư sản thì cũng bị đóng khung trong phạm vi dân tộc. Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Như vậy, con đường này đã tìm ra cho cách mạng Việt Nam những người đồng minh mới, giúp cách mạng nước ta có được sức mạnh tổng hợp, to lớn để tiến hành cuộc đấu tranh và giành thắng lợi.


Tư tưởng cốt lõi của con đường cách mạng Hồ Chí Minh là tiến hành cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất để đi tới xã hội cộng sản bằng lực lượng yêu nước của toàn dân tộc dựa trên nền tảng khối liên minh công – nông và dưới sự lãnh đạo của đảng. Con đường cứu nước đó đã phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử, nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp và thấm đượm tinh thần dân tộc vì độc lập tự do.


Như vậy, có thể thầy rằng, dù có điểm chung với các con đường cứu nước khác: 1- đều là người yêu nước, khao khát tìm tòi khảo nghiệm để tìm ra một con đường cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động; 2- đều có xu hướng tìm đường cứu nước kể cả bên trong và bên ngoài; 3-liên hệ cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; 4- muốn cứu nước thì phải có tổ chức; 5- tập hợp được một lực lượng nhất định…nhưng con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc vẫn có nhiều điểm khác cơ bản như trên.


*****************


Từ những nội dung trên và thực tiễn lịch sử Việt Nam đã cho thấy: con đường cách mạng Nguyễn Ái Quốc là con đường phù hợp, đúng đắn, sáng tạo với Việt Nam, đã kế thừa những kinh nghiệm và bài học xương máu từ các con đường cách mạng khác, khắc phục những hạn chế của các con đường cách mạng không triệt để ở trong nước và thế giới. Từ đây, thời kỳ đấu tranh đi liền với thất bại đã khép lại, thời kỳ đấu tranh đi liền với thắng lợi lớn đã mở ra. Con đường cứu nước của Nguyến Ái Quốc chính là đường đi đến độc lập cho Tổ quốc, ấm no tự do hạnh phúc cho Nhân dân.


Ngoài ra, chúng ta cần thấy rằng, con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc không chỉ thể hiện sự đúng đắn sáng tạo so với các con đường cứu nước khác ở Việt Nam mà còn thể hiện bản lĩnh của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam khi đặt ra vấn đề “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó”, kết hợp với nhiều yếu tố khác để đưa tới Lý luận giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, đem lại tính chủ động, độc lập, sáng tạo cũng như thành công của Cách mạng Việt Nam./.


TÌNH HÌNH XÃ HỘI VÀ NHIỆM VỤ CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX


Sự phân hoá giai cấp trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã được Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu và khẳng định nó không giống như trong xã hội tư bản phương Tây. Dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, sự xung đột, đấu tranh về quyền lợi riêng của mỗi giai cấp trong nội bộ dân tộc được giảm thiểu và không quyết liệt như cuộc đấu tranh của dân tộc chống chủ nghĩa thực dân. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc vạch rõ: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây… Sự xung đột về quyền lợi của họ được giảm thiểu. Điều đó không thể chối cãi được”1.


Có thể lập một bảng so sánh như sau:


Vấn đề so sánh Xã hội phương Tây Xã hội phương Đông


Mâu thuẫn chủ yếu Vô sản với tư sản Dân tộc bị áp bức với đế quốc xâm lược


Tính chất xã hội Tư bản chủ nghĩa Thuộc địa


Tính chất cuộc đấu tranh Giai cấp Dân tộc


Tính chất cách mạng Vô sản Giải phóng dân tộc


Hình thức chính quyền Chuyên chính vô sản Cộng hoà dân chủ


Quan điểm, lập trường của của giai cấp vô sản thể hiện ở sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng phương pháp duy vật biện chứng để phân tích thực tiễn xã hội thuộc địa một cách chính xác, nhằm xác định chiến lược cách mạng đúng đắn.


Cũng cần nói thêm rằng: chống đế quốc trước hết và chủ yếu cũng là quyền lợi cao nhất của nông dân, bởi vì nông dân chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong dân tộc. Thực dân Pháp xâm lược, thống trị dân tộc Việt Nam thì chủ yếu là thống trị và bóc lột nông dân. Họ là nạn nhân số một của các chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột tô thuế và cướp đoạt ruộng đất. Hàng ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam chứng tỏ hùng hồn rằng: nông dân Việt Nam luôn đặt yêu cầu chống ngoại xâm cao hơn yêu cầu về quyền lợi ruộng đất.


Khi mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội thuộc địa là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với đế quốc xâm lược, thì đương nhiên nhiệm vụ giải phóng dân tộc phải là nhiệm vụ hàng đầu. Đó là điều khác biệt với tình hình các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây (có mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản và cuộc đấu tranh giai cấp ở đây diễn ra rất quyết liệt). Như vậy, nhấn mạnh cuộc đấu tranh dân tộc là phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cách mạng thuộc địa, còn nhấn mạnh đấu tranh giai cấp là không phù hợp, là sai lầm “tả” khuynh, giáo điều.


(PGS.TS Vũ Quang Hiển – ĐHQGHN, Tạp chí Lịch sử Đảng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét